HomeSức khỏeVaccine sốt xuất huyết khó nghiên cứu

Vaccine sốt xuất huyết khó nghiên cứu

[ad_1]

Vaccine cần tạo miễn dịch lâu dài với 4 chủng huyết thanh của virus dengue, chống lại triệu chứng lâm sàng, song chưa ứng viên nào đáp ứng các điều kiện này.

Các nhà khoa học thế giới đã theo đuổi vaccine sốt xuất huyết 75 năm. Đến nay chỉ có vaccine Dengvaxia được thương mại, phác đồ 3 liều tiêm với các mũi cách nhau 6 tháng. Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt vaccine này năm 2019, còn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa chấp thuận.

Sathyamangalam Swaminathan, nhà virus học ở Delhi (Ấn Độ), nhận định “con đường tạo ra vaccine sốt xuất huyết rất khó khăn”. Các điều kiện gồm: có khả năng miễn dịch lâu dài với 4 loại huyết thanh của virus, bất kể tuổi tác và tình trạng nhiễm trùng; phải có khả năng chống lại các triệu chứng lâm sàng của bệnh, không chỉ giảm nguy cơ trở nặng; ngăn chặn sự lây lan của 4 loại huyết thanh. Vaccine cũng cần loại bỏ nguy cơ sốt xuất huyết trở nặng do tình trạng tăng cường phụ thuộc kháng thể (ADE), là tình trạng kháng thể không bảo vệ cơ thể, ngược lại giúp virus dễ xâm nhập tế bào hơn.

Vaccine được sản xuất dựa trên lý thuyết kháng thể trung hòa từ virus sẽ bảo vệ cơ thể, chống lại sốt xuất huyết. Tuy nhiên, thử nghiệm lâm sàng từ Dengvaxia cho thấy lý thuyết này không đúng, khả năng sinh miễn dịch không thay thế được cho hiệu quả bảo vệ. Vaccine sốt xuất huyết hiện nay ngăn cơ thể trở nặng khi mắc sốt xuất huyết song không giảm lây nhiễm.





Ảnh minh họa các ống vaccine dengue. Ảnh: Pixabay

Ảnh minh họa các ống vaccine. Ảnh: Pixabay

Neelika Malavige, làm việc tại tổ chức Sáng kiến về Thuốc dành cho những căn bệnh bị thờ ơ (Geneva, Thụy Sĩ), cho biết mối liên hệ giữa khả năng bảo vệ và biểu hiện của hệ miễn dịch cơ thể chưa được làm rõ, ví dụ tế bào T giúp kiểm soát virus song cũng gây phản ứng chéo, làm tăng mức độ nặng của bệnh. Tức là, khả năng sinh miễn dịch không đồng nhất với hiệu quả của vaccine.

Các nhà nghiên cứu đang xem xét về phản ứng của tế bào T trong mối tương quan với hệ miễn dịch. Việc này cũng gặp khó khăn khi xác định cường độ tế bào phản ứng, tính đặc hiệu của tế bào liên quan tới khả năng bảo vệ, không có xét nghiệm chuẩn hóa để đo lường.

Thách thức tiếp theo là vaccine không hiệu quả đồng nhất với 4 loại huyết thanh, nguy cơ mắc ADE còn cao. Do đó, gánh nặng sức khỏe cộng đồng do sốt xuất huyết vẫn tồn tại trong thời gian dài.

Trong số các ứng viên vaccine đang thử nghiệm, một ứng viên có hiệu quả hơn với tuýp DENV-2 và không có hiệu quả ngừa DENV-3; ứng viên khác có hiệu quả kém đối với DENV-2 song có nhiều hứa hẹn hơn. Nhiều chuyên gia đánh giá còn quá sớm để kỳ vọng vào khả năng bảo vệ kéo dài của các loại vaccine này.

Dịch sốt xuất huyết đang ngày càng gia tăng trên thế giới. Tại châu Mỹ, đến cuối tháng 7 có hơn 3 triệu ca sốt xuất huyết và 1.500 ca tử vong được báo cáo. Số ca nhiễm đã vượt qua số tổng của năm 2022. Trung tâm phòng chống dịch bệnh châu Âu cập nhật đến ngày 23/8, toàn thế giới có hơn 3,7 triệu ca mắc, hơn 2.000 ca tử vong ghi nhận từ 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sốt xuất huyết không có phương pháp điều trị cụ thể và thường khỏi sau một đến hai tuần. Bệnh có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và đe dọa tính mạng.

Chi Lê (Theo Nature, WHO, New Scientist)


[ad_2]

Bạn quan tâm