HomeTin tứcVì sao tư vấn đề xuất đường sắt tốc độ cao xuất...

Vì sao tư vấn đề xuất đường sắt tốc độ cao xuất phát tại ga Hà Nội?

[ad_1]

Nếu điểm đầu tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là ga Hà Nội thay vì ga Ngọc Hồi sẽ tiện lợi cho hành khách di chuyển, tăng tính hấp dẫn của phương tiện này.

Cục Đường sắt Việt Nam đang lấy ý kiến về quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP Hà Nội. Điểm mới trong quy hoạch là đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam tiếp cận tới ga Hà Nội ở trung tâm thành phố, thay vì ga Ngọc Hồi ở phía nam, cách nhau khoảng 10 km.

Đại diện đơn vị tư vấn – Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), cho biết bố trí điểm đầu ở ga Hà Nội sẽ thu hút hành khách đi tàu hơn. Trong dự án tiền khả thi trình Chính phủ năm 2019, TEDI đưa điểm đầu tuyến đường sắt tốc độ cao là ga Hà Nội. Tuy nhiên, sau này quy hoạch mạng lưới đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn 2050 lại xác định điểm đầu là ga Ngọc Hồi.

Kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao tại một số quốc gia cho thấy hầu hết tiếp cận vào sâu trong đô thị, hình thành ga trung chuyển khai thác cả đường sắt đô thị, đường sắt cao tốc. Ga Hà Nội đã được quy hoạch là ga đường sắt đô thị tuyến số 1 (Yên Viên – Ngọc Hồi), tuyến số 3 (Nhổn – ga Hà Nội) nên sẽ thuận tiện cho hành khách tiếp cận với đường sắt tốc độ cao.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cũng cho rằng ga tàu, bến xe phải ở vị trí thuận tiện tiếp cận số đông hành khách nên cần bố trí ở trung tâm đô thị. Ga Ngọc Hồi chỉ thuận lợi cho những hành khách ở phía nam thành phố.

“Nếu để ga ở ngoài trung tâm sẽ làm mất đi lợi thế của tàu tốc độ cao. Giá vé tàu đã cao, người dân lại tốn tiền taxi di chuyển tới ga thì chắc chắn loại hình này không cạnh tranh được với hàng không hoặc xe khách”, ông Thanh nói.





Hành khách đi tàu tại ga Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Hành khách đi tàu tại ga Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Phản hồi trước lo ngại bố trí ga Hà Nội là điểm xuất phát của đường sắt tốc độ cao sẽ gây quá tải, phải giải phóng mặt bằng, đại diện TEDI phân tích ga Hà Nội rộng 21 ha, đủ điều kiện xây dựng hạ tầng cho nhà ga đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị, không cần thiết mở rộng làm tăng chi phí. Sau này nhà ga và hạ tầng đường sắt được đưa lên cao sẽ tăng diện tích.

Diện tích ga hiện nay cũng đảm bảo bố trí điểm trông giữ xe, điểm đỗ xe buýt, taxi phục vụ hành khách khi ga Hà Nội trở thành ga trung chuyển khối lượng lớn.

Tàu tốc độ cao vào trung tâm thành phố sẽ đi đường trên cao, trùng với hành lang đường sắt đô thị tuyến số 1 đoạn ga Ngọc Hồi – ga Hà Nội nên không xung đột với các phương tiện, không gây ùn tắc ở trung tâm thành phố. Việc đi chung với đường sắt đô thị không làm tăng diện tích sử dụng đất vì trùng với hành lang đoạn đường sắt Ngọc Hồi – ga Hà Nội.

Để đảm bảo an toàn khi chạy chung đường, tàu tốc độ cao sẽ giảm tốc độ tương đương tàu đô thị, không dừng ở các ga. Giờ cao điểm khi tần suất chạy tàu đô thị lớn sẽ không bố trí tàu tốc độ cao, chỉ khai thác trong giờ thấp điểm. Trong tương lai, khi tần suất tàu tăng lên, Chính phủ có thể xem xét xây dựng đường riêng cho từng loại hình như tàu đô thị chạy ngầm, tàu cao tốc chạy trên cao.

Nhận xét về đề xuất này, TS Phan Lê Bình, chuyên gia quy hoạch giao thông, cho rằng về lý thuyết đưa tàu cao tốc vào trung tâm sẽ tiện lợi cho hành khách, song cần tính toán tính khả thi phương án vận hành và chi phí xây dựng.

Đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị thường được bố trí hai đường riêng, khó chạy chung vì khác tốc độ và liên quan quan biểu đồ chạy tàu. Nếu bố trí chạy hai đường riêng sẽ làm tăng chi phí xây dựng, giải phóng mặt bằng trên hành lang đường sắt ga Hà Nội – Ngọc Hồi hiện nay.

Kinh nghiệm ở Nhật Bản tùy từng thành phố bố trí điểm đầu của tuyến đường sắt cao tốc. Tokyo bố trí chạy từ ga Tokyo và ga Ueno ở trung tâm thành phố. Osaka lại bố trí bên ngoài do khu vực trung tâm không có diện tích đất xây dựng nhà ga, hành khách sử dụng tàu điện để tiếp cận ga.

Ông Bình cũng lưu ý khu vực quảng trường ga Hà Nội cần tổ chức lại giao thông, bố trí thêm điểm đỗ xe buýt, trông giữ xe cá nhân để không bị ùn tắc nếu ga Hà Nội trở thành nhà ga đầu mối.

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2021, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm dài 1.545 km, đường đôi khổ 1.435 mm. Ga Ngọc Hồi là điểm đầu của tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị. Ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt đô thị, phục vụ tuyến Ngọc Hồi – Yên Viên.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dự kiến đi qua 20 tỉnh, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 58,71 tỷ USD bao gồm: Chi phí giải phóng mặt bằng 1,98 tỷ USD, chi phí xây dựng 31,58 tỷ USD, thiết bị 15 tỷ USD, chi phí quản lý dự án, tư vấn 5,82 tỷ USD, chi phí dự phòng 4,07 tỷ USD.


Đoàn Loan

[ad_2]

Bạn quan tâm