[ad_1]
Các điểm nghẽn, khó khăn về cơ chế được tháo gỡ, dự báo kinh tế thành phố sẽ tái lập đỉnh tăng trưởng vào năm 2025-2026, theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi.
Nhận định trên được ông Mãi đưa ra tại hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025, sáng 15/7.
Theo ông Mãi, kinh tế thành phố có lúc đạt tăng trưởng hai con số, gấp 1,5-1,6 lần so với bình quân chung cả nước nhưng giảm dần trong 10 năm qua và chạm đáy vào quý I năm nay khi chỉ đạt 0,7%. Đây là thời điểm bộc lộ rõ nhất những tồn tại tích tụ nhiều năm qua do cơ chế kinh tế TP HCM chậm được tái cơ cấu, thế chế quản lý đô thị trên 10 triệu dân còn bất cập. Ngoài ra, các công trình, dự án hỗ trợ cho chuyển dịch tái cơ cấu kinh tế cũng như tạo không gian phát triển cho thành phố chậm được triển khai.
Cũng theo người đứng đầu chính quyền TP HCM, những năm qua, ba đột phá chiến lược từ thể chế, hạ tầng đến nguồn nhân lực đều có điểm nghẽn và biểu hiện rõ nhất ở TP HCM. “Đó là những điểm tác động tiêu cực đến việc thực hiện mục tiêu kinh tế – xã hội, khiến vị trí đầu tàu TP HCM đang có xu hướng giảm”, ông Mãi nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố, cho rằng với những tiền đề đã được tạo ra từ đầu nhiệm kỳ, các nghị quyết của đảng, cơ chế chính sách từ trung ương và nỗ lực của thành phố, các chuyên gia dự báo kinh tế TP HCM sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ, tái lập đỉnh tăng trưởng vào khoảng năm 2025-2026. Cùng với đó, các xu hướng mới của kinh tế thế giới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo sẽ tác động tích cực và là điều kiện để thành phố chuyển mình, phát triển mạnh mẽ.
Kinh tế TP HCM trong quý II được đánh giá đã lấy lại đà tăng trưởng, đạt 5,87%, giúp GRDP nửa đầu năm ước tăng 3,55%. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 298.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 13% và 9% so với quý I và cùng kỳ 2022. Về đầu tư công, vốn thực hiện quý II của thành phố ước hơn 10.260 tỷ đồng, tăng trên 89% so với quý I và 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng, ước thực hiện gần 15.700 tỷ đồng, tăng 43,9%.
Nửa đầu năm, thành phố cũng đạt doanh thu du lịch cao nhất nước với hơn 80.800 tỷ đồng, tăng 163% so với cùng kỳ 2019. Khách đến thành phố trong 6 tháng qua ước đạt hơn 18 triệu lượt, tăng 48% so cùng kỳ 2022, bằng 105% so với trước dịch…
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM cũng đưa ra các nhóm giải pháp về kinh tế – xã hội trọng tâm trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Cụ thể, thành phố sẽ rà soát điều chỉnh quy hoạch chung, tạo không gian phát triển mới bao gồm không gian ngầm, sông, biển.
Thành phố tiếp tục xác định phát triển đô thị đa trung tâm với Thủ Đức là đô thị sáng tạo – tương tác cao ở phía Đông, Cần Giờ là đô thị sinh thái biển, đô thị khu Nam với Phú Mỹ Hưng là trung tâm, đô thị Tây Nam với Bình Chánh là cửa ngõ với Đồng bằng sông Cửu Long và đô thị Tây Bắc gồm Củ Chi – Hóc Môn.
Theo ông Mãi, một trong những điều kiện để sớm hình thành các đô thị này là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống Metro với mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng) theo Nghị quyết 98.
Thành phố cũng sẽ giải quyết tồn đọng, ưu tiên tập trung nguồn lực để xử lý hiệu quả những dự án đang trì trệ nhiều năm như dự án chống ngập của thành phố, khu đô thị Thủ Thiêm, Safari ở Củ Chi, khu Bình Quới – Thanh Đa… Bên cạnh đó, thành phố sẽ rà soát toàn bộ quỹ đất do nhà nước quản lý để khai thác sử dụng hiệu quả.
Thành phố sẽ huy động các nguồn lực xã hội thông qua triển khai nghị quyết 98, các cơ chế chính sách thí điểm, đặc thù vượt trội để phát triển. Tập trung nguồn lực cả đầu tư công và đầu tư xã hội để chỉnh trang, phát triển đô thị, y tế, giáo dục và an sinh xã hội.
Cùng với đó, kinh tế thành phố sẽ được tái cấu trúc với định vị trở thành trung tâm tài chính quốc tế, thương mại quốc tế, hội chợ triển lãm quốc tế, khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực. Đồng thời, thành phố cũng định vị lại chiến lược công nghiệp và không gian phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao và tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Nghiên cứu phát triển các mô hình kinh tế đêm, kinh tế ven sông – hướng biển.
Người đứng đầu chính quyền thành phố thông tin thêm, đến cuối quý III, thành phố sẽ hoàn thành và triển khai đề án xây dựng nền công vụ ưu tú, nâng cao lực lực hiệu quả của nền hành chính công. Điều này sẽ giúp phát huy sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ công chức thành phố. Đồng thời, thành phố cũng tập trung nghiên cứu, đề xuất khung pháp lý phù hợp với mô hình chính quyền đô thị đặc biệt cho TP HCM.
Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, cho rằng bối cảnh nửa nhiệm kỳ vừa qua TP HCM có những điểm khác biệt so với các địa phương khác. Thành phố chịu tác động nghiêm trọng và nặng nề nhất về môi trường, tội phạm, dịch bệnh và nhất là Covid-19.
“Trong bối cảnh đó, thành phố cũng đạt được những kết quả nổi bật”, bà Mai nói và yêu cầu thời gian tới thành phố tiếp tục tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn theo tinh thần “việc mình mình làm”. Việc nào cần phối hợp thì tiếp tục, không để kéo dài ảnh hưởng đến cơ hội, phát huy tiềm năng của thành phố.
Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị thành phố chú trọng đến các vấn đề thiết yếu, nhu cầu cuộc sống của người dân như giáo dục, y tế, văn hóa, tăng số người tiếp cận bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội để đảm bảo an sinh bền vững, lâu dài.
Lê Tuyết
[ad_2]