[ad_1]
Chủ tịch Quốc hội Vường Đình Huệ cho rằng đưa nhiều thiết chế quản lý phức tạp vào Luật Viễn thông có thể khiến doanh nghiệp lĩnh vực này phản ứng.
Sáng 10/6, tham gia góp ý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT) là ba vấn đề lớn trong dự thảo.
“Việc có đưa vào luật để điều chỉnh không và điều chỉnh thế nào đang còn nhiều quan điểm”, ông Huệ cho biết.
Thực tế đời sống có sự giao thoa giữa công nghệ thông tin và viễn thông, trong nhiều trường hợp không thể phân định rạch ròi. Trong khi đó, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, OTT ngày càng phổ biến, có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, quyền lợi ích cá nhân tổ chức. Quan điểm của cơ quan soạn thảo là áp dụng giải pháp như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, và coi ba nội dung trên là dịch vụ viễn thông để xây dựng công cụ quản lý.
Tuy nhiên, ông Huệ đề nghị cân nhắc mức độ phù hợp, hạn chế ảnh hưởng hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. “Quy định nhưng cần có độ mở, không phải cái gì cũng đưa hết vào luật để trói tay trói chân khiến doanh nghiệp phản ứng. Nội dung nào không phù hợp, quá phức tạp cần nghiên cứu kỹ”, ông nói.
Chủ tịch Quốc hội đồng tình đây là luật khó, rất sâu về chuyên môn, tuy nhiên khi xây dựng nếu không có quan điểm toàn diện dễ dẫn đến việc “luật giao cho bộ nào, bộ đó chỉ nghĩ đến tư duy kỹ thuật, tư duy quản lý của bộ mình”. Ông cũng lưu ý luật có tác động rất lớn, quốc tế cũng quan sát rất kỹ việc xây dựng luật pháp của Việt Nam trong vấn đề này, nên việc đảm bảo quan điểm rất quan trọng.
Trước đó, trình Quốc hội dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) sáng 2/6, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói dự thảo được xây dựng theo hướng quy định chi tiết về quản lý việc cung cấp và hình thức cấp phép với dịch vụ viễn thông, trong đó có trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây để đảm bảo tính linh hoạt, đảm bảo cơ chế khuyến khích dịch vụ mới phát triển.
Đa số ý kiến của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (cơ quan thẩm tra) khi đó nhất trí việc chưa có quy định quản lý dẫn đến quyền lợi của người dùng chưa được bảo đảm về bảo mật dịch vụ, tính minh bạch, thông tin, khả năng truy cập. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc dự thảo đưa trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và viễn thông cơ bản trên Internet vào nhóm cần điều chỉnh có thể sẽ làm tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp liên quan, ảnh hưởng đến lợi ích mà dịch vụ đó có thể mang lại đối với nền kinh tế, tác động tiêu cực đến thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Do đó, Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm lập pháp của các nước, làm rõ hơn việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo và báo cáo Quốc hội về định hướng thiết kế hệ thống luật liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông thời gian tới.
[ad_2]