HomeSức khỏeVung tiền tầm soát ung thư

Vung tiền tầm soát ung thư

[ad_1]

Lo lắng, sợ hãi ung thư, nhiều người xét nghiệm tầm soát tổng thể, song bác sĩ khuyến cáo không cần thiết, vừa tốn kém vừa không hiệu quả.

Sáng 28/7, hàng trăm bệnh nhân cùng người nhà đứng, ngồi tại khu vực khám bệnh, Bệnh viện đại học Y Hà Nội. Bà Lan, quê Hưng Yên, và con gái thấp thỏm chờ đến lượt. Con gái bà thường xuyên mệt mỏi, ợ hơi, đau bụng thượng vị, chán ăn. Đi khám ở viện tỉnh, bác sĩ kết luận cô bị viêm dạ dày do stress, áp lực thi cử. Sợ “ung thư từ dấu hiệu mờ nhạt”, bà Lan đưa con đi lên Hà Nội để khám tổng thể.

“Tầm soát một lần tuy tốn kém nhưng hiệu quả tâm lý cao, chữa được ‘bệnh’ lo lắng”, bà Lan nói, thêm rằng đã chuẩn bị cho tổng chi phí có thể lên đến hơn chục triệu đồng nếu có cả chụp MRI, CT…

Ngồi cạnh bà Lan, anh Sơn, quê Thái Bình, đưa vợ đi khám do sờ được khối u cứng ở ngực. Suốt ba tháng nay, chị sút cân, ăn uống chán, mệt mỏi. Hai vợ chồng tìm hiểu các dấu hiệu giống bệnh ung thư vú nên đi kiểm tra. Anh mong muốn khám các bộ phận khác, nghĩ “tận dụng nốt công khám” để đỡ phải đi lại.

Bà Lan hay anh Sơn là hai trong nhiều trường hợp muốn tầm soát toàn bộ cơ thể để phòng ung thư. Trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều quảng cáo tư vấn dịch vụ tầm soát, cam kết sàng lọc đúng bệnh, tiết kiệm và chính xác. Các quảng cáo “chỉ một xét nghiệm ra nhiều bệnh”, “tầm soát ung thư đa điểm, từ đầu đến chân, từ trong ra ngoài chỉ với một gói khám”, thu hút hàng trăm, hàng nghìn lượt bình luận.

Bác sĩ Ngô Văn Tỵ, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhận định đây là nhu cầu chăm sóc và quan tâm sức khỏe rất tích cực và đáng mừng. Xu hướng này thường gặp ở gia đình có người thân mắc ung thư hoặc gia đình có điều kiện kinh tế khá giả.

Tầm soát ung thư giúp phát hiện những tổn thương tiền ung thư trong giai đoạn sớm, nhằm can thiệp kịp thời và tăng khả năng điều trị thành công. Hiện, chưa có thống kê lượng bệnh nhân yêu cầu tầm soát toàn bộ để phòng bệnh, song tỷ lệ ngày càng tăng. Tuy nhiên, nhiều người không có dấu hiệu bệnh, không thuộc nhóm nguy cơ cũng vẫn tầm soát, thậm chí sử dụng công nghệ hiện đại với chi phí cực đắt.

Lý giải tình trạng này, bác sĩ cho rằng số bệnh nhân ung thư có xu hướng ngày càng tăng nên người dân mang tâm lý lo lắng, muốn “phòng bệnh trước”. Ước tính hơn 300.000 người Việt đang sống chung với bệnh ung thư. Năm 2018 ghi nhận 165.000 bệnh nhân mới, năm 2020 con số này là 182.000, số tử vong 122.690.

Ba loại ung thư thường gặp ở Việt Nam là phổi, gan, dạ dày, đều là bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Người bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn, bác sĩ không thể can thiệp, chỉ có thể điều trị giảm nhẹ. Do đó, tầm soát phát hiện sớm là vô cùng cần thiết.

“Tuy nhiên, chi số tiền lớn chụp chiếu hay làm xét nghiệm tất cả bộ phận trên cơ thể để tìm bệnh ung thư là không cần thiết”, bác sĩ Tỵ nói, giải thích mỗi loại ung thư có phương pháp và thời gian tầm soát khác nhau, thực hiện trên nam và nữ có khác biệt.

Tầm soát ung thư thường được khuyến cáo với những nhóm nguy cơ cao như tiền sử gia đình có người mắc bệnh, độ tuổi, giới tính. Bác sĩ có chỉ định tầm soát riêng tùy trường hợp. Ví dụ, gia đình có bà hoặc mẹ bị ung thư vú, con gái nên sàng lọc sớm từ 18 tuổi. Hay, người trẻ ưu tiên siêu âm để phát hiện bất thường, còn người già được khuyến cáo chụp X-quang do tuyến vú mỏng và nhiều mỡ, khó nhìn thấy trên siêu âm.

Chụp cắt lớp vi tính hay cộng hưởng từ chỉ có giá trị cao trong trường hợp chẩn đoán ung thư phổi, ung thư gan. Trường hợp người tầm soát muốn kiểm tra bệnh đường tiêu hóa, bác sĩ sẽ chỉ định nội soi, siêu âm. Do đó, không thể chỉ làm một vài xét nghiệm là có thể đảm bảo toàn bộ các chức năng cơ thể.





Bác sĩ Ngô Văn Tỵ, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang thăm khám cho bệnh nhân, sáng 28/7. Ảnh: Minh An

Bác sĩ Ngô Văn Tỵ, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang thăm khám cho bệnh nhân, sáng 28/7. Ảnh: Minh An

Để kết luận bệnh nhân mắc ung thư, bác sĩ dựa vào nhiều xét nghiệm chuyên sâu chứ không chỉ thông qua một vài sàng lọc đơn giản.

Bác sĩ Phạm Văn Thái, Phó giám đốc, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, nói mỗi loại ung thư có phương pháp và thời gian tầm soát khác nhau. Chưa kể, một số loại bệnh ung thư không có biểu hiện bất thường trên các phương tiện chẩn đoán khi ở giai đoạn sớm.

Để khám sàng lọc, tùy theo triệu chứng lâm sàng, tiền sử gia đình của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm phù hợp và cần thiết như xét nghiệm máu, nội soi, siêu âm… Khi có dấu hiệu nghi ngờ sẽ tiến hành chụp CT, chụp MRI, chụp PET/CT và nhiều xét nghiệm chuyên sâu khác. Bác sĩ dựa vào những kết quả này đưa ra chẩn đoán cuối cùng.

“Đây là bài học mà bác sĩ chuyên khoa ung thư phải học cả đời, như là cách giảm nhẹ nỗi đau cho bệnh nhân và người nhà”, bác sĩ nói.

Xét nghiệm tràn lan còn gây tâm lý hoang mang hoặc yên tâm giả tạo cho người xét nghiệm. Chẳng hạn, bệnh nhân sàng lọc bệnh phụ khoa nhưng chỉ khám phụ khoa, không làm xét nghiệm tế bào, HPV có thể dẫn đến bỏ sót bệnh.

Theo bác sĩ, xét nghiệm các chất chỉ điểm khối u trong máu đều không có cơ sở khoa học. Kết quả chỉ mang tính tham khảo, không đưa kết luận rõ ràng bệnh nhân mắc bệnh. Lý do là xét nghiệm này chỉ áp dụng khi tầm soát trên người có nguy cơ cao. Nó phải được bác sĩ chuyên khoa chỉ định với người đang mắc bệnh để có phác đồ điều trị phù hợp.

Ngoài ra, lạm dụng các phương tiện hình ảnh như chụp cắt lớp toàn thân nhằm tầm soát ung thư cũng gây hại cho sức khỏe. Nhiều gói tầm soát mang tính kinh doanh, không có lợi cho người được tầm soát dẫn đến mất tiền oan mà vẫn bỏ sót bệnh.





Bác sĩ Tỵ và kíp mổ đang phẫu thuật xử lý khối u vú cho bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Bác sĩ Tỵ và kíp mổ đang phẫu thuật xử lý khối u vú cho bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Bác sĩ khuyến cáo người dân nên ưu tiên khám sàng lọc bệnh ung thư phổ biến như ung thư vú, phổi, gan, dạ dày… Ung thư gan là bệnh có tỷ lệ mắc cao ở Việt Nam. Những người nam giới trên 50 tuổi, xơ gan do rượu, viêm gan B, C, xơ gan do nhiễm độc là nhóm có nguy cơ cao nhất. Để sàng lọc cần phối hợp siêu âm ổ bụng và bộ ba xét nghiệm máu: AFP, AFP-L3, PIVKA II.

Ung thư dạ dày thường không có biểu hiện rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường khác. Người tầm soát được chỉ định nội soi định kỳ để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Ung thư vú và ung thư cổ tử cung là hai loại phổ biến gây tử vong hàng đầu ở nữ giới.

Ung thư đại trực tràng thường gặp ở nhóm 50-75 tuổi hoặc trước 50 tuổi nếu có yếu tố nguy cơ gia đình. Để sàng lọc phát hiện sớm, cần xét nghiệm máu tiềm ẩn trong phân (FOBT – Fecal occult blood test), nội soi đại trực tràng.

Sàng lọc ung thư luôn có sai số nhất định. Nguyên nhân có thể do bác sĩ thăm khám và tư vấn bệnh không tốt, không có kiến thức về sàng lọc ung thư. Máy móc, thiết bị kỹ thuật cũng có thể sai sót.

Bác sĩ khuyến cáo người dân nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, bác sĩ đúng chuyên ngành, điều trị nếu mắc bệnh. Tuyệt đối không “vung tay quá trán” hay tin vào chiêu trò quảng cáo tràn lan trên mạng.

Ngày 28/6, Bộ Y tế đề xuất BHYT chi trả chi phí sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư. Tuy nhiên hiện chưa rõ các bệnh ung thư nào được BHYT chi trả.

Người dân hiện nay quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, dành khoản chi tiêu cố định cho khám định kỳ. Nghiên cứu vào cuối năm 2019 của Tổ chức phi lợi nhuận The Conference Board (Mỹ) và Nielsen, cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ cao người tiêu dùng chi tiền nhàn rỗi cho các gói bảo hiểm sức khỏe cao cấp.

Cũng theo nghiên cứu, trong ba quý liền kề năm 2019, sức khỏe liên tục dẫn đầu trong các mối quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam. Trong quý III/2019, mối lo ngại về sức khỏe của người Việt ở 46% – cao nhất so với các quốc gia khác.

Minh An


[ad_2]

Bạn quan tâm