HomeDu lịch - Ẩm thựcViệt Nam 'cần học hỏi đại chiến lược du lịch của Thái...

Việt Nam ‘cần học hỏi đại chiến lược du lịch của Thái Lan’

[ad_1]

“Đại chiến lược du lịch” mới của Thái Lan là điều Việt Nam cần học hỏi và có thể là cơ hội Việt Nam đón thêm nhiều khách quốc tế, theo các chuyên gia.

Prommin Lertsuridej, trợ lý hàng đầu của Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin ngày 19/11cho biết chính phủ lên kế hoạch nới lỏng chính sách thị thực với khách châu Âu trong “đại chiến lược du lịch” mới. Thái Lan cũng cấp phép tổ chức gần 3.000 sự kiện khắp nước trong năm 2024 và dự kiến cho các địa điểm giải trí đêm ở Bangkok, Phuket, Chiang Mai, Chonburi hoạt động đến 4h từ tháng 12. Các hãng hàng không bổ sung thêm nhiều tuyến, giảm thời gian chờ đợi của du khách tại sân bay.

Trước đó, Thái Lan miễn visa tạm thời cho khách Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Ấn Độ, Đài Loan trong mùa cao điểm du lịch cuối năm.





Khách Ấn Độ khám phá vẻ đẹp sông nước Mỹ Tho, Tiền Giang. Ảnh: Xuân Mai

Khách Ấn Độ khám phá vẻ đẹp sông nước Mỹ Tho, Tiền Giang. Ảnh: Xuân Mai

Các động thái mới nhất của Thái Lan thể hiện tham vọng phục hồi hoàn toàn ngành du lịch trong năm 2024 với mục tiêu thu về 57 tỷ USD từ khách quốc tế và đón 40 triệu khách, bằng năm 2019, theo Tổng cục Du lịch Thái Lan.

Với những chính sách mở cửa để hút khách du lịch, nhiều người cho rằng Thái Lan có thể sẽ “hút hết khách của Việt Nam” vì nước này “ngày càng đến dễ và có nhiều thứ để chơi”.

Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) Hoàng Nhân Chính nói lo ngại này “khó thành hiện thực”. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, thậm chí liên khu vực trong châu lục. Thái Lan thu hút nhiều khách châu Âu cũng là một cơ hội cho khách tìm hiểu những điểm đến tương tự trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí cũng khẳng định “khó có chuyện khách đổ xô đến Thái Lan và không ghé thăm Việt Nam”. Trong những năm qua du lịch Thái Lan rất phát triển và “du lịch Việt Nam cũng vậy”. Sau thời gian ở Thái du khách sẽ chọn thêm các nước ở gần để ghé thăm như Lào, Campuchia, Việt Nam.

Năm 2008, thời điểm Cục Du lịch Quốc gia bắt đầu thống kê số lượng khách quốc tế, Việt Nam đón hơn 4,2 triệu lượt khách. Cùng năm đó, Thái Lan đón 15 triệu lượt, gấp gần 4 lần Việt Nam, theo Worlddata. Năm 2019, năm hoàng kim của du lịch thế giới, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế. Thái Lan đón gần 40 triệu lượt, gấp hơn 2 lần Việt Nam. Từ các số liệu trên có thể chỉ ra ngành du lịch Việt Nam trong 10 năm trở lại đã tăng trưởng đáng kể, thu hẹp khoảng cách với Thái Lan.

Ông Chính cho biết nét độc đáo trong văn hóa, lịch sử và con người của mỗi quốc gia không thể nào thay thế được bởi một quốc gia khác. Việt Nam “có quyền tự hào” về vẻ đẹp thiên nhiên đa dạng, nhiều di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.

Bảng xếp hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2021 chỉ ra trong số 17 chỉ số trụ cột, Việt Nam có 6 chỉ số vào nhóm dẫn đầu thế giới và nhiều chỉ số cao hơn Thái Lan. Ở chỉ số Sức cạnh canh tranh về giá, Việt Nam đứng hạng 15 trên 117 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng sau Lào (14), Malaysia (2) ở Đông Nam Á. Chỉ số an ninh, an toàn Việt Nam đứng thứ 33, xếp sau Singapore (thứ nhất). Việt Nam đứng thứ 94 trong chỉ số Tính bền vững của môi trường, cao hơn Thái Lan (97). Về Sự ưu tiên của chính phủ dành cho du lịch, Việt Nam đứng thứ 87, Thái Lan đứng thứ 88.

“Chúng ta có vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận di sản thế giới, Thái Lan không có. Việt Nam có nhiều lễ hội văn hóa mang tính di sản, Thái Lan cũng không nhiều bằng”, theo ông Trí.

Tuy nhiên các chuyên gia cũng nhận định Việt Nam cần học hỏi Thái Lan nhiều thứ.

“Họ đang làm rất tốt”, CEO Lux Group kiêm chuyên gia trong lĩnh vực du lịch sang trọng Phạm Hà nhận xét về “đại chiến lược” mới của Thái. Theo ông Hà, Thái Lan “sống chết với du lịch”, tận dụng mọi cơ hội để hút khách quốc tế. Từ khi nhậm chức vào tháng 8, Thủ tướng Thavisin đã xác định du lịch là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước, theo Bangkok Post.

Thái Lan cũng luôn có chiến lược rõ ràng từ ngắn, trung đến dài hạn. Năm 2023, Thái Lan điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế một cách đầy tham vọng 3 lần, từ 18-20 triệu lên 25 và đặt kỳ vọng 30 triệu lượt. Không dừng ở đó, Thái Lan tiếp tục đặt mục tiêu đón 40 triệu lượt khách vào năm 2024 bằng cách đưa ra những chính sách thị thực thuận lợi hơn, các sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn và mở rộng thị trường hơn thay vì trông chờ vào khách Trung Quốc.

Cũng theo ông Hà, ngành du lịch Việt Nam còn thiếu nhiều thứ nếu so sánh. “Chúng ta chưa có kế hoạch cụ thể cho năm sau, chưa coi du lịch là ngành kinh tế sống còn”, ông nói. Ngoài ra, Việt Nam vẫn còn thiếu định vị thương hiệu, chưa lấy khách hàng làm trung tâm, việc xúc tiến quảng bá du lịch chưa đạt hiệu quả cao khi vẫn còn nhiều du khách tự tìm kiếm thông tin về Việt Nam để ghé thăm. Bên cạnh đó Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều loại hình giải trí phục vụ từng thị trường khách, để khách có thể ở lâu, tiêu nhiều. Chính sách visa của Việt Nam dù nới lỏng hơn trước, khách đã đến dễ nhưng “chưa thấy vui vì ít thứ giải trí”, ông Hà nói.

Việt Nam cần học tập Thái Lan về linh hoạt trong hoạch định chiến lược, điều chỉnh kế hoạch và chỉ tiêu. Tuy nhiên theo ông Chính, Việt Nam “không cần sao chép cách làm của Thái” mà cần tìm ra giải pháp độc đáo, sáng tạo để có thể phục hồi du lịch hoàn toàn trong năm 2024.

Để làm được điều đó, Việt Nam cần xác định được thị trường trọng điểm, phân tích nhu cầu thị trường, tìm được nút thắt để mời khách tới, sẵn sàng phục vụ những sản phẩm phù hợp với thị trường đó. “Nếu chúng ta có sản phẩm du lịch chỉ riêng Việt Nam có, chúng ta sẽ luôn có sức thu hút đối với khách quốc tế”, theo ông Chính.

Việt Nam cũng cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện cơ sở hạ tầng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và thiên nhiên, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo và khác biệt, phù hợp với nhu cầu và sở thích của thị trường khách du lịch mục tiêu.

Việt Nam cũng có thể hợp tác với Thái Lan và các nước khác trong khu vực để xây dựng những gói du lịch kết hợp, tận dụng ưu thế của mỗi nước và tạo ra những trải nghiệm đa dạng và phong phú cho khách du lịch.

“Ngành du lịch Việt Nam cần coi Thái Lan là đối thủ trực tiếp và chính diện để vượt qua”, ông Hà nói.

Phương Anh


[ad_2]

Bạn quan tâm