[ad_1]
Hải PhòngChủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh vai trò của các nhà văn hiện nay trong việc chống cái ác, bảo vệ phẩm chất con người.
Tại Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất, diễn ra sáng 30/9, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói không dễ nhận diện kẻ thù nguy hiểm nhất của dân tộc trong thời bình. Đó là sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác, là tham nhũng, tiêu cực, là sự tàn phá thiên nhiên, tàn phá văn hóa và đi ngược lại xu thế của thời đại. Chính vì thế, sứ mệnh, trách nhiệm của nhà văn Việt Nam hiện nay lại càng lớn lao và yêu cầu cao hơn.
“Nhân dân, đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, sự quả cảm từ các nhà văn trong cuộc đấu tranh này. Các nhà văn Việt Nam luôn là những chiến sĩ tiên phong trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác và bảo vệ phẩm giá con người bằng con đường kỳ diệu của văn học, gieo những hạt giống của cái đẹp vào tâm hồn con người”, Chủ tịch nước phát biểu.
Chủ tịch nước mong có sự gắn kết đặc biệt hơn nữa giữa các nhà văn lão thành và các nhà văn trẻ. Các nhà văn lão thành tiếp tục là chỗ dựa tinh thần, truyền cảm hứng, kinh nghiệm sống, sáng tác cho thế hệ trẻ, ủng hộ sự sáng tạo của họ để phù hợp với xu thế thời cuộc. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo, phát huy vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng trong cuộc kháng chiến vì độc lập, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tại chương trình, Chủ tịch nước tưởng nhớ và tri ân các nhà văn đã mất, những người đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến Việt Nam như tác giả Nam Cao, Thâm Tâm, Trần Đăng, Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Trọng Định. Họ cùng nhiều nhà văn lão thành đã có mặt trong từng giai đoạn của đất nước, hiểu được niềm vui, nỗi buồn của nhân dân, đã sáng tạo ra những tác phẩm vượt thời gian, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt.
Ông Võ Văn Thưởng khẳng định “văn hóa là sự sống còn của dân tộc”, và văn học là một trong những thành tố làm nên vẻ đẹp văn hóa Việt, khơi gợi tình yêu và trách nhiệm của mỗi người với đất nước.
Tại Hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng trao tặng bằng tôn vinh cho nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Ma Văn Kháng. Do vấn đề sức khỏe, nhà văn Ma Văn Kháng không thể có mặt tại sự kiện, ông cho biết hạnh phúc khi được vinh danh. Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cũng gửi tặng cuốn sách Một con người, một con đường và một lịch sử: Hồ Chí Minh – Thư gửi nước Mỹ tới ông Võ Văn Thưởng.
Hội nghị có những tham luận quan trọng của một số nhà văn, nhà thơ lão thành tiêu biểu như Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương khái quát thành tựu to lớn của họ cho sự nghiệp phát triển văn học Việt Nam. Đại diện các nhà văn trẻ – Lê Vũ Trường Giang tri ân những giá trị mà các nhà văn lão thành đã kiến tạo, đồng thời thể hiện tinh thần sẵn sàng học hỏi, quyết tâm kế thừa sự nghiệp của thế hệ đi trước.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam nhận định nền văn học nước nhà như dòng chảy của con sông. Các thế hệ nhà văn nối tiếp nhau, trong mỗi thế hệ nhà văn hiện nay đều hiện diện tinh thần của những người đi trước, tiếp tục làm phong phú nền văn học Việt Nam.
Trong khuôn khổ sự kiện có đêm thơ, nhạc Âm vang mùa thu, giới thiệu một số tác phẩm đi cùng năm tháng của các nhà thơ lão thành Việt Nam, dựng lên một phần đời sống thơ ca với sự nghiệp kháng chiến, xây dựng Tổ quốc và chấn hưng văn hóa.
Dự sự kiện còn có Bí thư Trung Ương Đảng, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư thành ủy Thành phố Hải Phòng cùng 300 nhà văn – gồm những tên tuổi từng tham gia hai cuộc kháng chiến của dân tộc đến những gương mặt ở năm tháng hòa bình. Thủ tướng Phạm Minh Chính và nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng sự kiện.
Phương Linh
[ad_2]