[ad_1]
Các vaccine Tdap, MMR, cúm… giúp ông bà phòng một số mặt bệnh truyền nhiễm khả năng cao gây bệnh nặng ở trẻ sơ sinh, miễn dịch yếu.
Nếu gia đình có người lớn tuổi và dành nhiều thời gian để chăm sóc em bé, các thành viên này thường muốn bản thân có sức khỏe tốt, đồng thời tránh lây bệnh cho trẻ nhỏ. Dưới đây là các loại vaccine cần cân nhắc tiêm trước khi tiếp xúc với các em bé sơ sinh.
Tdap
Vaccine Tdap giúp phòng ngừa uốn ván, bạch hầu và ho gà. Nhiều người lớn được chủng ngừa từ khi còn nhưng khả năng miễn dịch đã giảm dần theo thời gian, do đó cần tiêm nhắc.
Mũi tiêm ngừa này rất quan trọng do các bệnh nói trên rất dễ lây lan, trong đó ho gà dễ lây nhiễm và gây bệnh nặng ở trẻ sơ sinh. Bệnh có các triệu chứng chính gồm cơn ho dữ dội, thở rít, dễ diễn biến nặng và tử vong do bội nhiễm ở trẻ dưới 5 tuổi và suy dinh dưỡng… Trong khi đó, trẻ sơ sinh chỉ được tiêm liều vaccine đầu tiên khi hai tháng tuổi.
Do đó, việc phòng bệnh rất quan trọng. Ông bà và người thân trong gia đình chỉ cần bổ sung một mũi Tdap duy nhất, nhắc lại mỗi 10 năm một lần, tiêm chủng vào tối thiểu hai tuần trước khi tiếp xúc trẻ sơ sinh.
MMR
Đây là vaccine ngừa bệnh sởi, quai bi và rubella. Ba bệnh này dễ lây lan qua ho và hắt hơi. Trong đó, dịch sởi phổ biến ở nhiều quốc gia, có thể biến chứng viêm phổi, tổn thương não, điếc và tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các bé 12 tháng tuổi trở lên mới đủ tuổi chủng ngừa sởi.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người lớn chưa có miễn dịch với ba bệnh nói trên nên chủng ngừa tối thiểu một liều MMR. Để đảm bảo ông bà không lây bệnh cho cháu, hãy hỏi bác sĩ về thời gian tối thiểu để mũi tiêm phát huy hiệu quả phòng bệnh.
Cúm
Người cao tuổi được khuyến cáo tiêm ngừa cúm hàng năm. Vaccine giúp giảm từ 30 đến 57% nguy cơ nhập viện ở người cao tuổi, giảm tỷ lệ tử vong do cúm ở người già có bệnh nền tim mạch… Ngoài ra, mũi tiêm cũng giúp hạn chế lây lan cúm ở trẻ nhỏ, tránh các biến chứng nghiêm trọng.
Trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ cao gặp biến chứng nghiêm trọng liên quan đến cúm, ví dụ chủng cúm A gây suy hô hấp, khó thở, khi kéo dài dẫn tới viêm phổi, thiếu oxy. Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, trẻ có thể bị viêm tai giữa, viêm thanh khí phế quản, viêm màng não…
Ngoài ra, do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ nên trẻ em có nguy cơ mắc cúm cao. Trẻ dưới 6 tháng tuổi chưa được tiêm phòng cúm, vì vậy các biện pháp phòng bệnh rất quan trọng.
Do đó, người lớn tuổi cần chủng ngừa cúm hàng năm. Nếu có triệu chứng bệnh, ông bà nên cách ly với trẻ nhỏ cho đến khi khỏi bệnh.
Phế cầu khuẩn
Phế cầu là tác nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng nghiêm trọng ở trẻ em. Các thể bệnh gồm viêm phổi, tràn mủ màng phổi, viêm màng não mủ, viêm tai giữa…
Phế cầu cũng là một trong những tác nhân phổ biến gây ra viêm phổi cộng đồng. Người lớn trên 65 tuổi và trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc viêm phổi và bị biến chứng cao hơn.
Có hai loại vaccine ngừa phế cầu khuẩn có thể chủng ngừa cho người trên 65 tuổi, người dưới 65 tuổi song mắc một số bệnh mạn tính như tim mạch, hen suyễn, có hệ thống miễn dịch suy yếu… Vaccine cũng được khuyên dùng cho người lớn từ 19 đến 64 tuổi thường xuyên hút thuốc.
Chi Lê (Theo Healthline)
[ad_2]