[ad_1]
Nghệ sĩ Nhật Kobori Yusuke và Yamamoto Kohei học tiếng Việt để tham gia vở opera “Công nữ Anio” kể chuyện tình xuyên quốc gia.
Dự án công diễn ba đêm tại Nhà hát Lớn Hà Nội, một đêm ở Hưng Yên vào tháng 9, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (1973-2023). Nội dung tái hiện câu chuyện tình yêu có thật giữa công nữ Việt Nam và thương nhân Nhật Bản từ 400 năm trước.
Araki Sotaro là thương nhân Châu Ấn thuyền – loại thuyền thương mại của Nhật được cấp phép thông hành tới các nước Đông Nam Á vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Anh đã đi từ Nagasaki đến Đàng Trong (nay là miền Trung Việt Nam), được chúa Nguyễn tin tưởng và gả công nữ Ngọc Hoa về làm vợ.
Họ sống hạnh phúc bên nhau, công nữ được người Nagasaki yêu mến gọi là “Anio san”. Ngày nay, lễ rước kiệu đón Anio vẫn được tái hiện qua phân cảnh Châu Ấn thuyền, tổ chức bảy năm một lần trong lễ hội Nagasaki Kunchi.
Vai Công nữ Anio do Đào Tố Loan và Bùi Thị Trang cùng đảm nhận, vai thương nhân Araki Sotaro do hai nghệ sĩ Nhật Kobori Yusuke và Yamamoto Kohei thể hiện. Một số đoạn, các nghệ sĩ Nhật hát bằng tiếng Việt.
Có mặt trong buổi họp báo hôm 18/5 ở Hà Nội, Kobori Yusuke cho biết từng diễn một số vở opera bằng tiếng Italy, Pháp, Nga nhưng gặp khó khăn khi hát tiếng Việt, do có nhiều nguyên âm. Anh dành thời gian tập phát âm với giáo viên người Việt, mỗi buổi 1-2 tiếng. “Tôi vừa tập hát, tập nghe, nói và luyện khẩu hình”, nghệ sĩ nói.
Yamamoto Kohei – cũng đảm nhận vai Araki Sotaro – cho biết khi sang Việt Nam, họ gặp Đào Tố Loan, Bùi Thị Trang để luyện thêm và nhanh chóng có sự ăn ý. Yamamoto Kohei nói: “Trong opera, ngoài phần thể hiện bằng ngôn ngữ, chúng ta còn có dàn nhạc giao hưởng. Tôi hy vọng nói được tiếng Việt cũng như mượn sự kỳ diệu của âm nhạc để truyền tải được nội dung tác phẩm”.
Tổng đạo diễn Honna Tetsuji, Giám đốc âm nhạc kiêm chỉ huy chính Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, cho biết muốn thể hiện sự hòa bình của thế giới qua vở opera. “Trong bản giới thiệu dự án, phía sau sân khấu có trăng khuyết và ánh sao. Dù là 400 năm trước hay hiện tại, chúng đều soi sáng loài người. Tôi nghĩ rằng tình cảm của người với người cũng như vậy, sẽ tiếp nối từ quá khứ, hiện tại đến tương lai”, ông nói.
Bà Nguyễn Phương Hòa – Cục trưởng Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – cho rằng thông qua sáng tạo về văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc, ngôn ngữ ca từ, tác phẩm sân khấu chung sẽ góp phần tôn vinh những giá trị của hai dân tộc.
Dự án có sự tham gia của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng – tác giả âm nhạc, ca sĩ opera Oyama Daisuke – tác giả kịch bản và soạn lời tiếng Nhật, nhạc sĩ Hà Quang Minh soạn lời Việt.
Di Ca
[ad_2]