[ad_1]
Tôi bị ung thư gan giai đoạn 2. Người bệnh ung thư gan thường sống được bao lâu thưa bác sĩ? (Nguyễn Văn Tam, 47 tuổi, Nam Định)
Trả lời:
Ung thư gan là một trong những loại ung thư phổ biến hàng đầu trên thế giới. Theo số liệu của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2020, tại Việt Nam, ung thư gan đứng đầu trong các loại ung thư với tỷ lệ mắc mới và tử vong lần lượt là gần 26.420 người và hơn 25.270 người.
Tùy vào giai đoạn ung thư gan, mức độ tiến triển, độ tuổi, thể trạng của người bệnh, phương pháp điều trị và tỷ lệ đáp ứng… mà tỷ lệ sống của người bệnh ung thư gan có thể khác nhau. Theo các số liệu do Hiệp hội Ung thư Mỹ cung cấp dựa trên thông tin cơ sở dữ liệu SEER từ năm 2012-2018, tỷ lệ sống khoảng 5 năm của người bệnh ung thư gan ở các giai đoạn là 21%. Ung thư ở giai đoạn khu trú (không có dấu hiệu cho thấy ung thư đã lan ra ngoài gan) là 36%. Khi khối u di căn xa đến các cơ quan, tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 3%.
Ung thư gan nói riêng và các loại ung thư khác nói chung có tiên lượng điều trị khả quan, thậm chí có thể khỏi bệnh nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ung thư gan giúp tăng hiệu quả như phẫu thuật cắt gan, ghép gan, hóa trị, xạ trị, đốt sóng cao tần, liệu pháp miễn dịch, trúng đích… Nhìn chung, tỷ lệ sống sót cao hơn đối với người còn có thể phẫu thuật để loại bỏ ung thư. Các nghiên cứu đã chỉ ra những bệnh nhân có khối u nhỏ, có thể cắt bỏ, không bị xơ gan hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác có khả năng tiến triển tốt. Đối với người bị ung thư gan giai đoạn đầu được ghép gan, tỷ lệ sống sau 5 năm khoảng 60-70%.
Dấu hiệu ung thư gan giai đoạn đầu thường không rõ ràng, khó nhận biết, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Do đó, rất nhiều người mắc bệnh ở giai đoạn muộn, ít có cơ hội được điều trị hiệu quả. Ở giai đoạn muộn, các khối u ác tính đã lớn, xâm lấn lan rộng hoặc di căn chỉ có thể điều trị kéo dài, chăm sóc giảm nhẹ nhằm hạn chế sự tiến triển, giảm khó chịu cho bệnh nhân. Tùy thuộc vào từng tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ thảo luận và đưa ra phương pháp phù hợp.
Bệnh nhân bị ung thư gan giai đoạn 2, tuy nhiên, không chia sẻ rõ khối u kích thước bao nhiêu, đã điều trị bằng các phương pháp nào, tình trạng sức khỏe hiện tại ra sao… Do đó, bác sĩ chưa thể tư vấn cụ thể. Giai đoạn 2, theo hệ thống phân loại bệnh ung thư gan BCLC có thể xếp giai đoạn A, B nên vẫn có thể điều trị triệt căn với các phương pháp phẫu thuật, ghép gan, đốt sóng cao tần hay nút mạch hóa xạ trị. Điều bệnh nhân nên làm lúc này là giữ gìn sức khỏe, tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Nếu có những bất thường, nhận thấy bệnh tiến triển nặng thì nên chia sẻ với bác sĩ để nhận được lời khuyên phù hợp. Tinh thần thoải mái cũng có thể giúp cho quá trình điều trị của anh dễ dàng hơn. Người bệnh ung thư không tự ý sử dụng các phương pháp dân gian, truyền miệng chưa được kiểm chứng mà từ bỏ điều trị. Điều này có thể khiến cho khối u phát triển nhanh và lớn hơn, làm tăng nguy cơ tử vong.
Do phần lớn bệnh nhân ung thư gan được phát hiện ở giai đoạn muộn nên các bác sĩ khuyến cáo người trưởng thành nên thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng hoặc mỗi năm. Người mắc các bệnh lý về gan thuộc nhóm nguy cơ cao cần theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh, khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng một lần, siêu âm bụng, các xét nghiệm phát hiện ung thư gan… Những người có nguy cơ cao nên bắt đầu tầm soát ung thư gan từ 40-50 tuổi.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư gan đến từ lối sống như uống nhiều rượu bia; hút thuốc; ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn; uống nhiều nước ngọt; thức khuya; ít tập luyện thể dục… Đặc biệt, một số bệnh lý về gan có nguy cơ tiến triển, dẫn đến ung thư ở cơ quan này như viêm gan virus mạn tính, xơ gan… Tiêm vaccine phòng viêm gan B, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại dễ làm tổn thương gan là một trong những cách phòng ngừa ung thư gan. Với người đã mắc bệnh, kiểm soát virus viêm gan kết hợp chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh góp phần tăng sức đề kháng, tăng khả năng chống chọi với bệnh.
TS.BS Vũ Hữu Khiêm
Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
[ad_2]