[ad_1]
Hòa Bình nằm cách Hà Nội khoảng 80-140 km tùy điểm du lịch và là cửa ngõ vùng Tây Bắc. Nơi đây gây ấn tượng với du khách bởi thắng cảnh đa
dạng từ sông, hồ, suối khoáng, vườn quốc gia và bản sắc văn hóa người dân tộc H’Mông, Mường, Dao, Thái… Những năm gần đây, Hòa Bình càng khẳng
định sức hút khi hàng loạt khu nghỉ dưỡng ra đời, phù hợp với xu hướng nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe hiện nay.
Hòa Bình mùa nào đẹp
Có diện tích rộng lớn cùng nhiều danh lam thắng cảnh, vì vậy du khách có thể đến Hòa Bình vào bất cứ mùa nào với trải nghiệm khác nhau. Thông
thường du khách ở Hà Nội thích đến Hòa Bình vào mùa hè vì thời tiết ở nhiều điểm đến như Mai Châu, Thung Nai mát mẻ.
Tháng 5-6 sẽ níu chân du khách bởi mùa lúa vàng ở Mai Châu, còn tháng 5-8 là mùa mà nước sông Đà ở Thung Nai trong xanh… Du khách cũng đừng
quên đến suối khoáng nóng Kim Bôi vào mùa đông hay thăm Lũng Vân vào mùa xuân khi trăm hoa đua nở, sương phủ trắng những ngôi nhà người Mường
lưng chừng núi.
Di chuyển
Từ Hà Nội, du khách có thể đi bằng xe khách từ bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Yên Nghĩa với giá từ 60.000 đồng một chiều. Xe limousine mang đến sự
riêng tư, thoải mái hơn có giá từ 220.000 đồng một chiều. Một số nhà xe gợi ý là Mạng Kiên, Xuân Tráng, Anh Dũng có điểm trả ở khu nghỉ dưỡng
trong Mai Châu.
Với du khách muốn lái xe tự túc, cung đường đi Hòa Bình dễ tìm và đường đẹp. Tuyến đường ôtô thường đi là qua hết đại lộ Thăng Long, vào quốc
lộ 21 và qua hết Xuân Mai. Với xe máy có đoạn đường ngắn hơn là Nguyễn Trãi qua Trung Văn, rồi dọc theo quốc lộ 6.
Khách sạn, khu nghỉ dưỡng
Hòa Bình có nhiều điểm lưu trú đẹp, nổi tiếng tập trung tại Mai Châu, Kim Bôi hay Lương Sơn.
Ở huyện Mai Châu, khu nghỉ dưỡng biệt lập Avana Retreat xóm Pạnh, xã Bao La thu hút du khách. Giá lưu trú ở
đây từ 4 triệu đồng một đêm ngày thường và 6 triệu đồng một đêm cuối tuần hoặc nghỉ lễ.
Mai Châu Ecolodge ở Nà Chiềng, Nà Phòn thu hút du khách với vẻ mộc mạc, nằm sát bên những đồng lúa, thích hợp ngắm cảnh mùa vàng. Giá nghỉ đêm
ở đây từ 1,1 triệu đồng một đêm.
Mai Châu Hideaway nằm trong bán đảo ở lòng hồ Hòa Bình, nhiều không gian xanh. Giá từ 1,6 đến 3,6 triệu đồng một đêm trong tuần, cuối tuần
(đêm thứ 6-7) giá từ 2,2 triệu đồng đến 4 triệu đồng/đêm.
Cách hai nghỉ trên không xa có Bakhan Village Resort, nằm trên sườn núi và có tầm nhìn ra thung lũng xanh, hồ Hòa Bình. Giá lưu trú ở đây từ
1,1 triệu đồng.
Ở huyện Kim Bôi nổi tiếng với những suối nước nóng, vì vậy các khu nghỉ dưỡng ở đây thích hợp cho cả 4 mùa. Serena Resort Kim Bôi nằm ở
xóm Khai Đồi, xã Sào Báy lấy cảm hứng từ vẻ đẹp, văn hóa Tây Bắc và xây dựng từ đá, gỗ, tre trúc, mái tranh… gần gũi với thiên nhiên. Ở đây có
khu tắm Onsen kiểu Nhật bản, hay tắm nóng trong nhà… Giá phòng lưu trú ở đây từ 1,8 triệu một đêm. Du khách có thể tham khảo VResort ở Kim
Bôi.
Ở huyện Lương Sơn, Đồi cỏ thơm resort ở xóm Rậm, xã Cư Yên là gợi ý cho du khách. Nơi đây có các biệt thự hiện đại, sang trọng nằm trên
những ngọn đồi cỏ xanh mướt. Tiện ích có nhiều bể bơi ngoài trời, bể sục, dịch vụ tắm thuốc lá người Dao.
Satoyama Village ở xã Cư Yên mới đi vào hoạt động đầu năm nay. Khu nghỉ được xây dựng theo phong cách Việt – Nhật, có phòng xông hơi, tắm
khoáng Onsen kiểu Nhật Bản… Giá lưu trú ở đây từ 2.000.000 đồng một đêm.
Chơi đâu
Hòa Bình sở hữu 177 danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử. Dưới đây là những gợi ý vui chơi theo khu vực và các điểm nổi tiếng nhất.
Ở Mai Châu, điểm tham quan đầu tiên là đèo Thung Khe hay đèo Đá Trắng, nằm trên QL6, giữa địa phận Tân Lạc và Mai Châu. Đây vốn là núi
đá vôi, do quá trình mở đường tạo thành. Đây cũng là nơi thường xuyên có mây phủ, tạo thành khung cảnh mờ ảo như mùa đông tuyết trắng. Du khách
chỉ nên tới đây trong những ngày nắng ráo, để chụp ảnh đẹp và không nguy hiểm trong quá trình lưu thông.
Muốn tìm hiểu về văn hóa địa phương, bạn không nên bỏ qua Bản Lác, nơi có hàng trăm nhà sàn tuổi đời lên tới 700 năm. Nơi đây còn có
khung cảnh cánh đồng lúa trải dài bất tận và những homestay nhà sàn để lưu trú. Bản Lác cách khu nghỉ dưỡng Mai Châu Ecolodge khoảng 3 km, có thể
trải nghiệm bằng xe đạp.
Thác Gò Lào hay thác Gò Mu không xa Mai Châu Hideaway và Bakhan Village Resort. Thác cao khoảng 20 m, nước đổ xuống trắng xóa, dưới
lòng hồ là những khối đá lớn. Mùa này tắm thác rất lạnh, bạn có thể đi dạo trong không khí mát mẻ, chụp ảnh với dòng nước trắng xóa.
Đến Mai Châu theo nhóm đông, bạn không nên bỏ lỡ chuyến thăm lòng hồ Hòa Bình tới vịnh Ngòi Hoa, Ao Tiên, Đền Bà Chúa Thác Bờ. Bến thuyền nằm
ở cuối bản Suối Lốn.
Xã Lũng Vân ở huyện Tân Lạc thu hút du khách bởi thời tiết mát mẻ và khung cảnh sương giăng huyền ảo. Xã tọa lạc ở độ cao 1.200 m so
với mực nước biển, là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa, kiến trúc của người Mường. Mùa xuân khi đến đây, du khách có dịp ngắm sắc xuân xanh mởn ở
rừng cây, hoa đào khoe sắc thắm… Ngoài ra Lũng Vân cũng là điểm săn mây lý tưởng vào khoảng tháng 2 đến tháng 4. Lúc này trên những thửa ruộng
bậc thang là mây trắng lững lờ, tạo nên khung cảnh đầy mê hoặc.
Thung Nai hay còn gọi là “Hạ Long thu nhỏ” nằm trên trục đường trước khi vào TP Hòa Bình. Ở đây du khách nên thuê tàu ngắm cảnh sông
Đà, thu vào tầm mắt các hòn đảo lớn nhỏ trên mặt hồ xanh ngắt. Hãy mang theo đồ ăn nhẹ và tấm trải để ngồi ngắm cảnh. Lưu ý cần dọn rác trước khi
đi và có biện pháp tránh nắng vì đây là khoảng đất trống, không có cây cối.
Đền Bà Chúa Thác Bờ thuộc xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc. Ngôi đền nằm bên bờ hồ rộng lớn giữa lòng hồ Hòa Bình, sau lưng là hệ thống hang
động thạch nhũ rộng lớn. Năm 2009, động Thác Bờ được công nhận là Di tích danh thắng quốc gia. Ngôi đền thờ hai vị nữ tướng là bà Đinh Thị Vân
người Mường và một bà người Dao, xưa kia có công giúp vua Lê Lợi về quân lương, thuyền mảng vượt thác Bờ tiến quân lên Mường Lễ, Sơn La dẹp loạn
đảng Đèo Cát Hãn. Sau khi mất, nhân dân trong vùng phong cả hai là Bà chúa Thác Bờ và lập đền thờ phụng với niềm tin được phù hộ cho trăm dân
trong vùng mưa thuận, gió hòa.
Tháng 1 đến tháng tháng 3 hàng năm ở đây thường có nhiều lễ hội. Du khách dâng hương sẽ đến bến Thung Nai, sau đó thuê thuyền để tới đền. Lịch
trình tuần tự là ở đền Trình, đền Chúa.
Trên đường từ Thung Nai trở lại thành phố, bạn có thể bắt gặp vài vườn chuối, cam, ngô trên đường. Trong đó, một vườn cam Cao Phong nằm
bên phải thu hút người đi đường với sườn đồi thoai thoải và những quả cam mọng nước. Cam có giá 20.000 đồng/kg. Bạn có thể mua về làm quà và sau
đó được tự do chụp ảnh trong vườn.
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình ở Tân Thịnh là công trình lịch sử của Việt Nam, biểu tượng của TP Hòa Bình. Hiện tại, vé vào cửa có giá
20.000 đồng, dành cho du khách chỉ tham quan khu vực bên ngoài. Nếu muốn tham quan cả khu vực kỹ thuật, máy móc, du khách mua vé 50.000 đồng.
Một trong những điểm dừng chân khác khi đến thành phố là tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đồi ông Tượng. Từ bên trái, du khách có thể phóng
tầm mắt để ngắm toàn cảnh thành phố. Bên phải, bạn có thể ngắm nhìn nhà máy thủy điện từ trên cao bề thế, hoành tráng.
Đặc sản
Hồ Hòa Bình mang đến nhiều đặc sản hấp
dẫn, trong đó phải kể đến các loài cá như lăng, chép, mè, trắm…
Cá kẹp thanh tre, nướng trên bếp than hồng là đặc sản dễ tìm thấy trên đường lên động Thác Bờ. Những mẻ cá thiểu, ngão được làm sạch
vảy, ruột, ướp muối tiêu rồi nướng . Cá sau đó được bày lên lá chuối xanh, ăn kèm lá sấu non, lá mơ, lá lốt. Thịt cá chắc, ngọt và thơm phức mùi
nướng than và thoang thoảng hương chuối, tre.
Gà nấu măng chua, hạt dổi cũng là đặc sản của Hòa Bình. Măng giang tươi được lấy trên rừng, thái nhỏ rồi rửa sạch, thêm muối để lên men
tự nhiên. Măng có màu vàng nhạt, thơm và không váng. Gà thường được chọn nấu canh măng là gà đồi, dai và thơm. Sau khi làm sạch thì thái nhỏ, đảo
đều với hành mỡ cho săn lại. Sau đó gà được đun liu riu với măng chua và thêm hạt dổi, có vị hăng, thơm đặc chưng.
Thịt trâu nấu lá lồm, đặc sản của người Mường cũng rất hút khách. Thịt trâu đem thui, cạo sạch sẽ sau đó bung cho mềm. Khi thịt chín
tương đối thì thái miếng nhỏ hơn, cho vào nồi đất hầm kỹ. Lá lồm có vị chua được giã nhỏ và gạo tấm cho vào nồi hầm chung với thịt trâu. Cứ giữ
lửa cho đến khi gạo tấm nở và sánh lại. Thịt trâu hầm xong nhừ kỹ, ngấm vị chua lá lồm và hương gạo thơm và dễ ăn.
Thịt lợn muối chua cho du khách cảm giác thưởng thức cả cây cỏ và vị rừng do cách làm khá độc đáo. Món thịt lợn muối chua được làm rất
kỳ công và kết hợp với nhiều loại lá rừng. Tất cả đều là những sản vật sẵn có dễ tìm và mỗi thứ lá được xem là bài thuốc quý có lợi cho cơ thể
như lá quế, lá mít, lá trầu không… Ấn tượng ban đầu khi khách tới nhà được người Mường bê ra một mâm thịt lợn muối chua với rổ lá. Khi ăn phải
dùng tay cuộn lá với thịt, nhai chậm rãi rất bùi, thơm ngọt, ăn rất lạ miệng.
Thịt lợn mán Hòa Bình ít mỡ nhiều nạc, thịt giòn và thơm ngọt. Thịt lợn có thể luộc, quay, xiên nướng. Du khách có thể ăn kèm với cơm lam nổi
tiếng của Hòa Bình, thơm dẻo vì làm từ nếp nương.
Du khách có thể tìm thấy những đặc sản trên ở hà hàng Bếp Mường hay Hoa Quả Sơn ở Kim Bôi. Ở Mai Châu có nhà hàng Hợp Thủy, tiểu khu 2 hay nhà
hàng trong khu nghỉ Mai Châu Ecolodge.
Cam Cao Phong
Trên đường từ Thung Nai trở lại thành phố, bạn có thể bắt gặp vài vườn chuối, cam, ngô trên đường. Trong đó, một vườn cam Cao Phong nằm bên
phải thu hút người đi đường với sườn đồi thoai thoải và những quả cam mọng nước. Cam có giá 20.000 đồng/kg. Bạn có thể mua về làm quà và sau đó
được tự do chụp ảnh trong vườn.
[ad_2]